top of page
Ảnh của tác giảWeb1trang.vn

Hướng dẫn phân tích 5 chỉ số Website quan trọng cho người mới bắt đầu

MỤC LỤC:

===

Phân tích số liệu website không chỉ là thu thập, mà còn là chuyển đổi số liệu khô khan thành thông tin có giá trị, từ đó giúp bạn đưa ra quyết định chính xác để cải thiện hiệu suất website và đạt được mục tiêu của mình.


Nghe qua có vẻ phức tạp, nhưng thực ra việc này dễ hơn bạn nghĩ. Bài viết dưới đây Huy sẽ hướng dẫn chi tiết từng bước làm quen số liệu website và khai thác thông tin hữu ích từ những số liệu này dành cho người mới bắt đầu.


Bắt đầu nào!


Lợi ích phân tích số liệu trên Website

Phân tích số liệu website là cách để “soi gương” nhìn nhận chính mình. Nó giúp những người làm SEO, quảng cáo hay truyền thông có cái nhìn khách quan và chính xác về hiệu quả hoạt động của website cũng như hành vi của khách hàng.


Cùng đi qua 3 lợi ích lớn nhất của việc phân tích số liệu trên website.

1. Hiểu rõ hành vi người dùng

  • Người dùng đến từ đâu: tìm kiếm tự nhiên, quảng cáo, mạng xã hội.

  • Họ tương tác ra sao: thời gian ở lại trang, tỷ lệ thoát, độ sâu trang, các trang được xem nhiều nhất, các hành động được thực hiện…

  • Nhân khẩu học: độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý, sở thích,…


2. Trải nghiệm người dùng

  • Thiết bị truy cập: máy tính, điện thoại, hay máy tính bảng…để tối ưu hoá giao diện.

  • Đo lường tốc độ tải trang: mất bao lâu để tải một trang.

  • Đo lường call to action: biết nút kêu gọi nào hiệu quả, nút nào chưa để tối ưu.


3. Tăng hiệu quả tiếp thị

  • Đánh giá hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo, SEO, và email marketing.

  • Tối ưu hóa ngân sách quảng cáo bằng cách tập trung vào kênh mang lại lượt truy cập chất lượng.

  • Phân tích từ khóa và nội dung thu hút để xây dựng chiến lược SEO hiệu quả.

các chỉ số đo lường website

Các chỉ số quan trọng trên Website, ý nghĩa từng loại

Traffic Source (Nguồn lưu lượng)

Chỉ số này cho biết cách mà người dùng tìm đến website của bạn, bao gồm:

  • Organic (Tự nhiên): người dùng tìm thấy website của bạn thông qua kết quả tìm kiếm từ Google, Bing, Cốc Cốc...

  • Paid (Trả phí): lưu lượng đến từ các chiến dịch quảng cáo trực tuyến như Google Ads, quảng cáo mạng xã hội (Facebook, Instagram...), quảng cáo hiển thị...

  • Direct (Trực tiếp): người dùng truy cập trực tiếp bằng cách gõ địa chỉ website vào trình duyệt hoặc thông qua bookmark (dấu trang).

  • Referral (Giới thiệu): người dùng đến từ các liên kết trên các website khác, như các diễn đàn, blog, mạng xã hội...


Hiểu rõ Traffic Source giúp bạn:

  • Xác định kênh nào mang lại nhiều khách hàng tiềm năng nhất để tập trung đầu tư ngân sách

  • Cải thiện lại nội dung từng kênh traffic như SEO, chiến dịch quảng cáo, mạng xã hội để thu hút nhiều lưu lượng truy cập chất lượng hơn.

  • Hiểu rõ đặc điểm và hành vi của người dùng từ các kênh khác nhau để cá nhân hóa trải nghiệm.


Số điểm Traffic Source bao nhiêu là tốt?


Traffic Source phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại website, ngành nghề, mục tiêu kinh doanh và chiến lược marketing. Để đánh giá Traffic Source, bạn cần xem xét các chỉ số sau:

  • Lượng truy cập: số lượng người dùng mỗi kênh.

  • Tỷ lệ chuyển đổi: tỷ lệ người dùng thực hiện hành động mong muốn (mua hàng, đăng ký...).

  • Chi phí: chi phí bỏ ra để thu hút lưu lượng từ mỗi kênh (đối với Paid traffic) hoặc chi phí lên nội dung.

  • Chất lượng truy cập: thời gian người dùng ở lại trên website, số trang xem...

các chỉ số đo lường website

Time on Site (Thời gian trên trang)

Chỉ số này thể hiện là khoảng thời gian trung bình mà một người dành để xem website của bạn trong một lần truy cập.


Hãy tưởng tượng bạn ghé vào một cửa hàng, Time on site giống như việc bạn dành bao lâu để xem xét và lựa chọn sản phẩm trong cửa hàng đó trước khi rời đi.


Khi khách hàng cảm thấy nội dung trên website của bạn thú vị và hữu ích, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để đọc, xem các sản phẩm, click vào các link liên kết… Google cũng đánh giá cao những Website có thời gian trên trang cao trên kết quả tìm kiếm.


Cuối cùng là càng nhiều người ở lại lâu trên website, bạn càng có nhiều cơ hội bán được sản phẩm của mình.

Ví dụ:

  • Một website thương mại điện tử có time on site cao cho thấy khách hàng dành nhiều thời gian để xem sản phẩm, đọc đánh giá và so sánh giá cả, từ đó tăng khả năng mua hàng.

  • Một website tin tức có time on Site cao cho thấy nội dung bài viết hấp dẫn, thu hút người đọc ở lại lâu hơn và khám phá thêm các bài viết khác.


Số điểm Time on Site bao nhiêu là tốt?


Số điểm Time on Site cũng phụ thuộc vào loại website, ngành nghề, nguồn truy cập và mục tiêu của trang. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số mốc thời gian sau:


  • Dưới 30 giây: Có thể người dùng không tìm thấy nội dung cần thiết hoặc trải nghiệm người dùng kém.

  • 30 giây - 2 phút: Website có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dùng.

  • 2 - 5 phút: Cho thấy nội dung hấp dẫn và người dùng dành thời gian khám phá website.

  • Trên 5 phút: Website có nội dung chất lượng cao, thu hút người dùng ở lại lâu và tương tác nhiều.

*Lưu ý, nếu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin hoặc điều hướng trên website, người dùng có thể ở lại lâu hơn nhưng không đạt được mục tiêu mong muốn.

các chỉ số đo lường website

Pages per Session (Số trang mỗi phiên)

Chỉ số này thể hiện số lượng trang trung bình mà người dùng xem trong một phiên truy cập website.


Pages per Session thể hiện mức độ hấp dẫn của website và khả năng giữ chân người dùng. Chỉ số này cho biết người dùng có hứng thú với nội dung và có dễ dàng tìm thấy những thông tin họ cần trên website hay không.


Ví dụ:

  • Một website tin tức có Pages per Session cao cho thấy người đọc quan tâm đến nhiều bài viết và dành thời gian để khám phá các chủ đề khác nhau trên website.


  • Một website thương mại điện tử có Pages per Session cao cho thấy khách hàng quan tâm đến nhiều sản phẩm và dành thời gian để so sánh, tìm hiểu trước khi quyết định mua hàng.


Số điểm Pages per Session bao nhiêu là tốt?


Pages per Session cũng phụ thuộc vào loại website, ngành nghề, mục tiêu của trang và nội dung website. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số mốc sau:

  • 1: Người dùng chỉ xem một trang rồi rời đi. Điều này có thể do nội dung website không hấp dẫn, điều hướng khó khăn hoặc không đáp ứng được nhu cầu.

  • 2-3: Website có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dùng, nhưng chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích họ khám phá thêm.

  • 4-5: Website có nội dung hấp dẫn và người dùng dành thời gian để tìm hiểu thêm thông tin.

  • Trên 5: Website có nội dung phong phú, cấu trúc điều hướng rõ ràng và trải nghiệm người dùng tốt, khuyến khích người dùng khám phá nhiều trang.


* Lưu ý, nếu người dùng phải xem nhiều trang để tìm kiếm thông tin họ cần, điều đó có thể cho thấy website có cấu trúc điều hướng phức tạp.

các chỉ số đo lường website

Bounce Rate (Tỷ lệ thoát)

Chỉ số này thể hiện tỷ lệ phần trăm người dùng truy cập vào website và rời đi ngay sau khi xem một trang duy nhất mà không có bất kỳ tương tác nào khác.


Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng, mình ghé vào một cửa hàng quá lộn xộn, không tìm thấy món hàng đang cần, cũng không có ai hỗ trợ, thì bạn sẽ rời khỏi cửa hàng ngay.


Bounce Rate là chỉ số thể hiện mức độ tương tác của người dùng với website và cũng là một yếu tố giúp Google đánh giá trải nghiệm người dùng, do đó ảnh hưởng đến thứ hạng của bạn trên kết quả tìm kiếm.


Tỷ lệ thoát cao có thể do nội dung trên trang chưa thu hút, chưa đáp ứng nhu cầu của khách truy cập, hoặc trải nghiệm người dùng chưa tốt, ví dụ website bị lỗi hiển thị, khiến họ rời đi nhanh chóng.


Ngược lại, lượt thoát trang thấp nghĩa là trang có nội dung tốt, đủ sự thu hút khiến người đọc ở lại lâu hơn và khám phá thêm các bài viết khác.


Ví dụ nếu một website bán hàng có Bounce Rate cao, điều đó cho thấy sản phẩm không hấp dẫn, giá cả không cạnh tranh, hoặc quá trình mua hàng phức tạp.


Số điểm Bounce Rate bao nhiêu là tốt?


Phụ thuộc vào loại website, ngành nghề, nguồn truy cập và mục tiêu của trang sẽ có mức điểm Bounce Rate khác nhau. Nhìn chung, Bounce Rate có thể được đánh giá như sau:

  • 25 - 40%: Cho thấy website có nội dung hấp dẫn và trải nghiệm người dùng tốt.

  • 41 - 55%: Cần xem xét kỹ hơn để xác định nguyên nhân và cải thiện.

  • 56 - 70%: Cần phân tích kỹ lưỡng và có những điều chỉnh đáng kể để giảm tỷ lệ thoát.

  • Trên 70%: Website có vấn đề nghiêm trọng về nội dung, thiết kế hoặc trải nghiệm người dùng.

*Lưu ý, đối với các trang blog hoặc trang tin tức, tỷ lệ thoát cao có thể chấp nhận được vì người dùng thường chỉ đọc một bài viết rồi rời đi.

các chỉ số đo lường website

Conversion Rate (Tỷ lệ chuyển đổi)

Chỉ số này thể hiện tỷ lệ phần trăm người dùng hoàn thành một hành động mong muốn trên website.


Ví dụ mua hàng, đăng ký tài khoản, điền form liên hệ, tải xuống tài liệu, hoặc đăng ký nhận bản tin.


Tỷ lệ chuyển đổi cao cho thấy website đang hoạt động tốt trong việc thuyết phục người dùng.

Điều này giống như một khách hàng ghé vào cửa hàng, họ nhìn thấy cửa hàng sắp xếp chỉn chu, ông chủ uy tín, và tìm thấy vài món hàng họ đang cần, vậy thì họ sẽ tiện thể mua thêm nhiều sản phẩm khác.


Ví dụ:

  • Nếu một website bán hàng có 1000 lượt truy cập và 20 người mua hàng, Conversion Rate sẽ là 2% (20/1000 x 100%).

  • Nếu một website đăng ký nhận bản tin có 500 lượt truy cập và 30 người đăng ký, Conversion Rate sẽ là 6% (30/500 x 100%).


Số điểm Conversion Rate bao nhiêu là tốt?

Conversion Rate cũng phụ thuộc vào ngành nghề, loại hình kinh doanh, mục tiêu của website và chiến dịch marketing. Nhìn chung, Conversion Rate có thể được đánh giá như sau:

  • Dưới 1%: Cần xem xét và tối ưu hóa website, chiến dịch marketing và trải nghiệm người dùng.

  • 1% - 3%: Website đang hoạt động ở mức khá, nhưng vẫn cần điều chỉnh để tăng tỷ lệ chuyển đổi.

  • 3% - 5%: Cho thấy website đang hoạt động hiệu quả trong việc chuyển đổi người dùng.

  • Trên 5%: Website có tỷ lệ chuyển đổi cao, vượt trội so với mức trung bình.


*Lưu ý, cần theo dõi Conversion Rate theo thời gian để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược phù hợp.

các chỉ số đo lường website

Trên đây là một vài chỉ số quan trọng nền tảng bạn cần nắm vững. Tiếp theo chúng ta sẽ đi vào từng case study cụ thể.


Xác định chỉ số cần tập trung, phù hợp mục tiêu Marketing Website


Với website bán hàng

Để tăng doanh số bán hàng, chúng ta cần biến khách truy cập website thành khách hàng thực sự. Vì vậy, chúng ta cần tập trung theo dõi những chỉ số sau:

  • Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate): Nếu có 100 lượt truy cập và 5 người mua hàng, tỷ lệ chuyển đổi là 5%, như vậy là chiến dịch của bạn bán hàng hiệu quả, nếu tỷ lệ thấp hơn bạn nên tối ưu (thông tin sản phẩm, nút kêu gọi hành động, chính sách giá…) 


  • Nguồn lưu lượng (Traffic Source): Google Ads, Facebook Ads, SEO, Email Marketing…kênh nào tăng tỷ lệ chuyển đổi tốt thì tập trung vào giai đoạn này.


Ngoài ra chúng ta còn cần đo lường thêm các chỉ số sau:

  • Doanh thu (Revenue): Tổng số tiền bạn thu được từ việc bán hàng trên website.

  • Giá trị đơn hàng trung bình (Average Order Value): Số tiền trung bình mà mỗi khách hàng chi tiêu cho mỗi đơn hàng.

  • Số lượng đơn hàng: Theo dõi số lượng đơn hàng thành công.

  • Tỷ lệ bỏ giỏ hàng: Tỷ lệ khách hàng thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhưng không hoàn tất mua hàng.


Đối với Blog/Content

Mục tiêu chính của Blog/content là cung cấp kiến thức giá trị cho người đọc, do đó chúng ta cần tập trung vào các chỉ số sau:


  • Time on Site (Thời gian trên trang): Thời gian trung bình người dùng ở lại trên website. Để tăng thời gian trên trang, chúng ta cần tạo nội dung hấp dẫn, trình bày khoa học, sử dụng storytelling, hình ảnh/video, thêm yếu tố tương tác...


  • Pages per Session (Số trang mỗi phiên): Số lượng trang trung bình mà người dùng xem trong một phiên. Để tăng Pages per Session ta cần sử dụng liên kết nội bộ, gợi ý nội dung liên quan, tối ưu thanh điều hướng.


  • Bounce Rate (Tỷ lệ thoát): Tỷ lệ người dùng rời khỏi website sau khi chỉ xem một trang. Để giảm tỷ lệ thoát, chúng ta cần cải thiện chất lượng nội dung, tối ưu tốc độ tải trang, thiết kế website thân thiện với người dùng, điều hướng internal link rõ ràng...


Đối với website thương hiệu

Mục tiêu chính của website thương hiệu là xây dựng nhận thức, hình ảnh và uy tín thương hiệu, tăng độ nhận diện và lòng tin của khách hàng. Website là bộ mặt đại diện cho thương hiệu trên internet. Vì vậy cần tập trung các chỉ số cơ bản sau:


  • Lượng truy cập từ mạng xã hội: Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động marketing trên mạng xã hội. Ngoài Google Analytics, bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích mạng xã hội (Facebook Insights, Twitter Analytics...) để có cái nhìn chi tiết hơn về lượng truy cập từ từng nền tảng.


  • Tương tác trên mạng xã hội: Lượt thích, chia sẻ, bình luận phản ánh mức độ quan tâm và tương tác của người dùng với thương hiệu trên mạng xã hội.


  • Brand mentions (Số lần nhắc đến thương hiệu) cho thấy mức độ phổ biến và nhận diện của thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Cần phân biệt giữa brand mentions tích cực và tiêu cực để có biện pháp xử lý phù hợp.


  • Độ phủ thương hiệu: Phản ánh mức độ nhận biết thương hiệu trong thị trường mục tiêu. Có thể sử dụng các chỉ số như nhận biết thương hiệu (brand awareness), nhận biết thương hiệu top-of-mind (top-of-mind awareness) để đo lường độ phủ.

các chỉ số đo lường website

Một số lưu ý khi phân tích số liệu Website

Phân tích số liệu website đôi khi khiến bạn bối rối với hàng tá con số và biểu đồ. Nhưng đừng lo, với kinh nghiệm "chinh chiến" cùng dữ liệu của mình, Huy sẽ chia sẻ cho bạn vài bí quyết để phân tích Website hiệu quả hơn.


Không bị cuốn vào tất cả số liệu

Giống như khi đi siêu thị, bạn có thể bị "hoa mắt" bởi quá nhiều sản phẩm. Website cũng chứa nhiều loại số liệu, nhưng không phải cái nào cũng hữu ích với bạn. Bí quyết ở đây là xác định rõ mục tiêu trước khi bắt đầu phân tích.


Ví dụ, nếu muốn tăng doanh số bán hàng online, hãy tập trung vào các số liệu liên quan đến hành vi mua sắm của khách hàng, chẳng hạn như số lượt thêm sản phẩm vào giỏ hàng, tỷ lệ hoàn thành đơn hàng, những rào cản khiến khách hàng bỏ dở việc mua hàng.


"Nắm bắt" xu hướng, "nhanh tay" điều chỉnh

Thế giới online luôn biến động không ngừng, hành vi người dùng cũng liên tục thay đổi theo. Vì vậy, hãy kiểm tra số liệu định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, để "bắt trọn" những xu hướng mới nhất.


Nhờ vậy, bạn có thể kịp thời điều chỉnh chiến lược marketing, tối ưu website, thậm chí là "xoay chuyển tình thế" khi cần thiết.


"Kết nối" số liệu với hành vi người dùng

Số liệu chỉ là những con số "vô hồn", nếu không được "thổi hồn" bằng những hiểu biết về hành vi người dùng thực tế. Hãy thử tưởng tượng, tỷ lệ thoát trang cao ngất ngưởng, nhưng bạn lại chẳng hiểu tại sao. Lúc này, bạn cần kết hợp với các công cụ khác như bản đồ nhiệt, ghi lại phiên truy cập,... để quan sát hành vi của khách hàng trên website. Nhờ đó, bạn sẽ phát hiện ra những "điểm nghẽn" khiến họ rời khỏi trang web của bạn.


Kết luận

Phân tích số liệu website là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tinh tế và nhạy bén. Trong bài viết này, Huy đã chia sẻ với bạn các cách phân tích một số chỉ số quan trọng cần theo dõi tùy vào mục tiêu của website mà bạn đang vận hành.


"Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, do đó bạn đừng nản lòng bởi những kết quả ban đầu. Các số liệu chưa thực sự hiệu quả, chính là động lực để bạn tối ưu hóa website và chiến lược marketing. 


Hãy áp dụng những bí quyết Huy đã chia sẻ, chọn lọc số liệu, nắm bắt xu hướng và kết nối với người dùng. Chỉ cần chọn đúng những con số bạn cần tập trung theo dõi, bạn sẽ tìm thấy con đường nhanh nhất cho chính mình.


Đừng quên chia sẻ cảm nhận bên dưới khi đọc xong bài viết này nhé!



6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page